Theo luật sư Trương Thanh Đức, các công ty tài chính tiêu dùng thường cho vay không có tài sản bảo đảm. Vì vậy, không bao giờ trông chờ vào việc xử lý tài sản bảo đảm.
Nợ xấu là thuật ngữ trở nên quen thuộc không chỉ với những người trong ngành tài chính mà đang là từ khoá nóng với toàn xã hội. Nợ xấu được đưa ra thảo luận khắp mọi nơi từ nghị trường Quốc hội, trên bàn Chính phủ cho đến các ngân hàng, doanh nghiệp, trường học và thậm chí cả trên đường phố, ngoài chợ.. Bởi vì nợ xấu đang gây ra nhiều vấn đề, hệ luỵ với nền kinh tế và xã hội.
Riêng với hệ thống ngân hàng tài chính, nợ xấu được ước tính vào khoảng 600 nghìn tỉ đồng (bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn). Và cả nền kinh tế đang phải tập trung nỗ lực nhằm tháo gỡ đống nợ xấu để khơi thông vốn.
Đối với ngân hàng, nợ xấu phần nhiều là có tài sản bảo đảm nên có cơ sở để xử lý. Đặc biệt mới đây, Chính phủ đã có nghị quyết 42 giúp vấn đề xử lý tài sản được diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, với các khoản nợ xấu không có tài sản bảo đảm, rơi nhiều vào công ty tài chính vì 100% khoản vay của họ là tín chấp, thì việc xử lý nợ xấu sẽ diễn ra như thế nào?
Cách các công ty tài chính xử lý nợ xấu
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Hiểu đúng về tài chính tiêu dùng để phát triển kinh tế xã hội” do CafeF phối hợp với Báo Tri Thức Trẻ tổ chức chiều 27/9. Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, các công ty tài chính tiêu dùng thường cho vay không có tài sản bảo đảm.
Vì vậy, không bao giờ trông chờ vào việc xử lý tài sản bảo đảm. Họ phải tính toán thu hồi và xử lý nợ xấu bằng cách khác. Như tăng cường đôn đốc trả nợ và trích lập dự phòng để xử lý rủi ro. Ngoài ra, còn phải thuê dịch vụ đòi nợ và phải chịu chi phí đáng kể cho hoạt động này.
Và LS.Đức cho biết những chi phí đò nợ là một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc cho vay lãi suất cao để bù đắp cho nhiều khoản nợ không thu hồi được. Trên thị trường hiện nay, lãi suất cho vay tiêu dùng thường dao động từ 20% ~ 50%.
Lãi suất cho vay tài chính tiêu dùng cao như vậy nhưng theo luật sư điều đó không sai. Theo quy định tại khoản 3, Điều 9 về “Lãi suất cho vay tiêu dùng”. Thông tư số 43/2016/TT-NHNN thì công ty tài chính phải dựa vào cụ thể các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất cho vay tiêu dùng (lãi suất cao nhất và thấp nhất đối vời từng sản phẩm cho vay tiêu dùng).
Các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường, và bảo đảm bù đắp các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của công ty tài chính.
Ngọc Toàn (Nguồn: theo Tri thức trẻ.)